Tên: Cao Giáng Đình – 高绛婷
Môn phái: Thất Tú phường – 七秀坊
Vị trí: Cầm tú trong Thất tú
–
Cao Giáng Đình, một trong “tam ma” trong Võ lâm truyền kì, Cầm ma. Đồng thời cũng là đệ tử của Công Tôn đại nương, một trong Thất tú của Dương Châu Thất Tú phường, Cầm tú. Sở trường dùng không hầu ([箜篌] một loại đàn thời xưa, có khoảng từ 5 đến 25 dây), kĩ nghệ lấn áp cả trăm hoa bách hài, mang danh “Vô cốt kinh huyền”.
Chính bởi vì năm đó Cao Giáng Đình đối với Khang Tuyết Chúc là nhất kiến khuynh tâm, cho nên sau này bị Khang Tuyết Chúc phá hủy đôi tay mới càng khiến nội tâm nàng thêm phẫn hận không thôi, không chỉ vì Khang Tuyết Chúc hủy đi hai tay nàng, mà còn là vì hắn đối với nàng chỉ là hư tình giả ý, khiến Cao Giáng Đình trao tâm nhầm người.
–
【Tri âm thuyết dự tri âm thính, bất thị tri âm mạc dữ đàm】(*)
(* [知音说与知音听, 不是知音莫与谈] Tri âm chuyện với tri âm, chẳng tri âm gảy đàn cầm làm chi: Ngạn ngữ cổ Trung Quốc)
Năm bảy tuổi, Cao Giáng Đình từ nơi gia hương nghèo nàn sơn cùng thủy ác đến thành Dương Châu ở Giang Nam liễu rủ hoa rơi phú thứ (giàu có + đông đúc).
Trời đã xẩm tối mà mưa vẫn rơi không ngớt, nàng ngồi ở đầu thuyền nâng mắt, ngắm nhìn dòng sông bao la bát ngát, bên kia hào quang tỏa sáng, bên này lại là tầng tầng lớp lớp thuyền hoa tinh xảo nối đuôi nhau. Bên bến tàu của Thất Tú phường là những tảng đá bám đầy rêu phong, nước chảy như tợ lụa cuốn lấy. Mái ngói ẩn ẩn hiện hiện trong sương chiều, chim chóc hoảng hốt bay vút về phía đường chân trời nơi xa.
Đương lúc Công Tôn sư phụ vừa vuốt đầu nàng, vừa thương xót nói rằng nàng thiên tư (năng khiếu) có hạn, thể chất yếu nhược, không thể tu tập thân pháp “Nghê thường vũ y” đến cảnh giới điêu luyện được mà chìm ngập trong thất vọng não nề.
Vì thế nàng ngày ngày khổ luyện cầm kĩ, cây không hầu bảy mươi sáu dây trong phường, cuối cùng thì cũng có một ngày đôi bàn tay trắng nõn có thể nhảy múa trên dây đàn, kĩ năng điêu luyện.
Nàng mời danh sĩ đến, ngay tại Thất Tú phường ở Dương Châu hiến tấu một khúc nhạc, sau khi tiêu âm lan tỏa, mọi người vẫn ngây ra như phỗng. Hạng người kiến thức uyên bác gì đều có mặt đầy đủ, nhưng âm sắc thế này đúng là không ai có thể hình dung được, cũng có nhiều người nhiều ngày lưu luyến Thất Tú phường không đành lòng rời đi, chỉ cầu được nghe thêm một khúc nhạc nữa, cái danh “Vô cốt kinh huyền” cũng vì vậy mà vang dội khắp thiên hạ. Từ đó trở đi, từ triều đình đến giang hồ, cao môn danh sĩ tranh nhau vào phường, muốn cầu một khúc nhạc nhưng đều không có cơ hội.
Giang hồ truyền rằng “Vô cốt kinh huyền, tố thủ thanh nhan” (tố thủ thanh nhan: bàn tay trắng nõn không tì vết), nàng nghe vậy, cũng chỉ đạm nhạt cười. Thế giới của nàng giống như một đầm trăng trong vắt, ngoại trừ gảy đàn thì không còn thứ gì khác.
Nếu không có lần gặp gỡ đó, thế gian có phải sẽ nhiều hơn một đứa trẻ vui vẻ ngây thơ hay không?
Ngày ấy, danh sĩ Vạn Hoa Khang Tuyết Chúc không ngại đường xa ngàn dặm, đến phường cầu nàng một khúc nhạc. Chỉ bằng một ánh mắt, nàng liền trầm luân.
Trong mắt hắn có một loại chấp nhất, ẩn nhẫn, tuỳ tiện mà sâu sắc, nàng biết, mình đã gặp được đồng loại rồi. Khúc nhạc vừa ngưng, Khang Tuyết Chúc kinh ngạc như gặp được thần tiên, thì thầm nói: “Đáng tiếc cho một đôi tay tài hoa trong thiên hạ”. Nét mặt tràn đầy tán thưởng cùng yêu mến, nàng đều thu vào trong mắt, ngọt ngào nhẹ nhàng lan tỏa hết chân mày đến đáy tim như mật đường.
Hắn mời nàng đến Vạn Hoa cốc, nói rằng sẽ tặng nàng một bức tượng điêu khắc độc nhất vô nhị, ngay cả “Điêu Thiền bái nguyệt”(*) phong thái cũng không thể sánh bằng.
(* Hình ảnh ca tụng nét đẹp của Điêu Thiền, sự rằng Điêu Thiền đẹp đến nỗi khi đứng bái trăng, mặt trăng cũng phải hổ thẹn mà chạy trốn vào trong mây. Cũng là một tác phẩm điêu khắc của Khang Tuyết Chúc)
Nàng không cần, nhưng nàng vẫn rất vui mừng.
Cao Giáng Đình âm thầm đem lòng tương tư danh sĩ Vạn Hoa Khang Tuyết Chúc, nhưng không tài nào lường được sự việc cực kì bi thảm sẽ phát sinh sau này. Việc cực kì bi thảm kia quả là từ một tay Khang Tuyết Chúc mà ra, hắn thế nhưng lại nỡ phá hủy cả hai tay Cầm tú Cao Giáng Đình!
Nói đến nguyên nhân vì sao hắn lại làm việc tàn nhẫn này, không thể không kể về quá khứ của Khang Tuyết Chúc.
Khang Tuyết Chúc vốn là danh sĩ Vạn Hoa, lấy việc điêu khắc nữ tử mỹ mạo mà nổi tiếng hậu thế. Thiên Bảo ngày năm tháng bảy năm thứ nhất (CN năm 742), Khang Tuyết Chúc lần đầu tiên đến Vạn Hoa, dùng trầm tích từ sao băng dưới đáy hồ phất tay một phát liền khắc thành bức “Điêu Thiền bái nguyệt” của Vạn Hoa cốc lừng danh giang hồ hiện nay, từ đó về sau, thanh danh vang vọng thiên hạ. Lại nói đến ngày năm tháng bảy hôm ấy, Khang Tuyết Chúc bắt đầu điêu khắc ngay từ lúc sáng sớm, đến trưa mới hoàn thành được hình dáng, thì ánh mắt mọi người xung quanh đều đã bị hấp dẫn rồi, đợi đến khi đao công trong tay Khang Tuyết Chúc tiếp đến phần khuôn mặt, vung tay một lúc, khuôn mặt rõ ràng, lại khiến mọi người thêm một phen điên đảo. Chăm chú chiêm ngưỡng, đôi mắt thanh tú hờ hững đưa tình, nét mặt hoàn toàn mê ly, dáng người hiền hoà khẽ động gió, đầu mày cuối mắt dường như có một loại tình cảm buồn tênh không thể nói thành lời. Đương lúc giữa hè, vạn hoa trong “Tinh trú hải” đều đồng loạt nở rộ, nhưng cũng vô pháp che đi tuyệt thế phong hoa từ trầm tích kia tỏa ra. Người ngoài đều xem đến hoa mắt mê mẩn, bảo rằng dù có là Tây Tử (tức Tây Thi) sống lại, cũng chỉ được thế này là cùng. Công thánh xem xong, im lặng thật lâu, sau chỉ để lại một bài thơ bốn chữ làm lời bình: “Tuyết Chúc tố thủ, cảnh nhập vi hào”.
Từ đó trờ đi, Khang Tuyết Chúc vào ở trong Vạn Hoa, mỗi ngày đều đóng cửa nghiên cứu chạm trổ.
Khang Tuyết Chúc có một đôi tay thon dài mượt mà, nhẵn nhụi bóng loáng, hắn hằng ngày đều phải dùng thuốc mỡ bí chế bôi tay mấy lần, màu da trắng nõn dị thường, gân mạch trên tay có thể nhìn thấy được rõ ràng, hoàn toàn không giống tay nam tử, Công thánh dùng từ “tố thủ” (bàn tay trắng nõn, ở đây cũng có ý là bàn tay tài hoa) cũng là có nguyên cớ của nó cả. Khang Tuyết Chúc có một chỗ khá là quái gở, đó là chưa có người nào từng nhìn thấy hắn điêu khắc, vì thế Đông Phương Vũ Hiên đặc biệt mở ra một cư thất bí mật tạo điều kiện cho hắn chuyên tâm nghiên cứu. Mỗi một tác phẩm của hắn vừa được đưa ra, tất nhiên đều danh chấn giang hồ, vạn kim cũng khó mà mua được.
Không lâu sau đó, trên giang hồ nhắc đến một người, truyền danh là “Vô cốt kinh huyền, tố thủ thanh nhan”. Khang Tuyết Chúc nghe được, không hiểu hạng tài nghệ tuyệt hảo thế nào mà có thể vượt lên trên cả mình, liền xuất cốc đi đến Thất Tú phường để gặp mặt Cao Giáng Đình một phen. Sau khi nghe một khúc nhạc thì kinh ngạc khôn cùng, nghe nói ngày đó Khang Tuyết Chúc cứ luôn nhìn chòng chọc vào bàn tay gảy đàn của Cao Giáng Đình mà thì thầm rằng: “Đáng tiếc cho một đôi tay tài hoa trong thiên hạ”, hậu nhân nghe thấy, không thể không than tiếc.
Hắn muốn mời Cao Giáng Đình vào trong Vạn Hoa cốc, nên đã vì nàng mà khắc riêng một bức tượng. Việc này nếu thành, có thể nói là nhờ tài nghệ của hai người có thanh danh tối nổi bật trong giang hồ làm ra. Đây là một chuyện tốt mà người ta truyền miệng, chỉ trong nửa ngày không ai là không biết, vì thế vào ngày bốn tháng sáu hôm ấy Khang Tuyết Chúc đem theo Cao Giáng Đình cùng trở về cốc, giai nhân danh sĩ trong Vạn Hoa cốc đều tập hợp, trong đó có đủ các loại giang hồ hào kiệt, đại phái cao thủ, danh môn công tử, mỹ nhân khuê các, mọi người trong Vạn Hoa cốc đều tụ tập đầy đủ trước phòng Khang Tuyết Chúc, chờ đợi được chiêm ngưỡng bức tượng Cao Giáng Đình tuyệt thế vô song.
Mọi người khổ sở chờ đến đêm, cố gắng kiên nhẫn đến cùng, chỉ nghe thấy âm thanh cười đùa lớn tiếng trong phòng, thanh âm bi thương hay sung sướng đều có, đầy mâu thuẫn, khó có thể nói nên lời, lòng tò mò lại càng sâu. Một lúc sau, Khang Tuyết Chúc đẩy cửa đi ra, không trả lời câu hỏi của mọi người, nhún người thoắt cái đi xa, mọi người thế mới biết võ học của Khang Tuyết Chúc cũng là cực kỳ uyên thâm, xem khinh công, chỉ sợ không kém cạnh cốc chủ Đông Phương Vũ Hiên là bao.
Lại hỏi Khang Tuyết Chúc điêu khắc người tinh tế đến vậy, đã tới cảnh giới không thể tưởng tượng nổi, nhưng vì sao chỉ điêu khắc nữ tử, không điêu khắc thứ khác, thế nhân cho rằng là hắn thiên vị mỹ nhân, nhưng thật ra là còn một sự tình khác…..
Khang Tuyết Chúc vốn xuất thân từ võ học thế gia ẩn cư ở biển Đông, gia môn có tiếng học vấn uyên bác, đặc biệt rất thích điêu tố (điêu khắc + nặn tượng)người, chưa đến ba mươi tuổi, điêu khắc người, nam nữ già trẻ gì đều giống như đúc. Hắn cùng với thê tử là Văn Thu phu thê tình thâm, phi thường đằm thắm, không ngờ Văn Thu hồng nhan bạc mệnh, chết bệnh đương lúc còn xuân xanh, Khang Tuyết Chúc tình cảm sâu nặng, khó lòng mà chịu được, trải qua chuyện này thần trí trở nên ngẩn ngơ, mắc bệnh kinh niên. Đợi đến khi thân thể chuyển biến tốt đẹp, đau khổ trong lòng vẫn không hề giảm bớt nửa phần, liền quyết chí phải điêu khắc cho bằng được di ảnh (ảnh của người đã chết) độc nhất vô nhị cho thê tử. Không ngờ đến cuối cùng khi làm xong, thế nhưng không tài nào hợp ý được, vì trong lòng hắn, thế gian này không có nữ tử nào xinh đẹp dịu dàng bằng thê tử. Hắn vô pháp tạo ra một bức tượng đẹp đẽ, tự trách mình tài nghệ chưa tinh, vì thế rời khỏi nhà đến Trung Nguyên, tu tập tài nghệ.
Thế nhân đa phần yêu đẹp ghét xấu, vốn cũng là lẽ thường, Khang Tuyết Chúc lại còn theo đuổi một con người hoàn mỹ, hắn muốn điêu khắc được bức tượng tuyệt đẹp đến mức không thể giảm nửa phân tăng nửa phần, nhưng kĩ nghệ này, thế gian tới tận lúc bấy giờ vẫn chưa một lần xuất hiện. Khang Tuyết Chúc ngày ngày tìm kiếm nữ tử mỹ mạo để nặn tượng, dù đã “bách xích can đầu, nan tẫn nhất bộ”(*), vẫn không thể thành công, phiền muộn chán nản khó nhịn xuống, hắn rốt cục cũng nghĩ ra được một biện pháp: Hắn bắt thú vật trong núi, dùng lưỡi dao sắc bén lóc ra da thịt. Lúc lưỡi dao cắt vào da chân, tay hắn liền cảm nhận được tính chất của cơ thịt; trong lúc máu tươi tràn ra, hắn liền thấy được màu sắc đậm nhạt; lưỡi dao cắt đến xương cốt, hắn liền quan sát được thể trạng mạnh yếu, sau khi giác ngộ toàn bộ, lại lấy dao khắc ra chạm trổ, quả nhiên rất có tiến triển. Cứ như thế nhiều năm trôi qua, Khang Tuyết Chúc điêu khắc thú vật chim muông càng lúc càng sống động như thật, nhưng điêu khắc người thì vẫn trì trệ chậm chạp như vậy, huyết quản xương cốt của thú vật chim muông so sánh với con người, suy cho cùng cũng là quá khác biệt, có câu “sai một li, đi một dặm”, huống chi hắn còn có yêu cầu phải thật hoàn mỹ.
(* [百尺竿头, 难尽一步], câu đúng là “bách xích can đầu, canh tiến nhất bộ” [百尺竿头,更进一步], có nghĩa là dù đã đạt đến đỉnh cao, vẫn không ngừng học hỏi tiến tới, nhưng trong trường hợp này đổi “canh tiến” thành “nan tẫn”, ý muốn nói trình độ đã đạt đến hàng thượng thừa, không thể cao hơn được nữa)
Vì thế Khang Tuyết Chúc có một ý nghĩ khác, hắn rời khỏi thâm sơn, tiến đến vùng Giang Nam yên hoa, nhìn thấy nữ tử vừa ý liền cướp đi, giống như giải phẫu thú vật, tinh tế nghiên cứu, dùng võ học gia truyền của hắn, không hề một ai phát hiện. Cứ vậy vài năm, hắn điêu khắc nữ tử đã đạt đến cảnh giới thần dung như thật. Lúc này Khang Tuyết Chúc lại tìm ra một phương pháp khác, hắn đã tìm kiếm một nữ tử tướng mạo hoàn mỹ khắp thế gian, nhưng cơ thể bộ phận xuất chúng này nọ vốn đã khó tìm rồi, người mà toàn thân trên dưới không một chỗ có thể chê bai lại thật sự hi hữu hơn nữa. Khang Tuyết Chúc nghe nói trong Vạn Hoa cốc nhân tài vô số, liền đến Vạn Hoa tìm nơi nương tựa, đợi đến khi thanh danh được truyền bá rộng rãi, thuận tiện làm việc, mới bắt đầu tìm kiếm các bộ phận hoàn mỹ trên cơ thể người ở khắp nơi, đem về cốc gọt giũa. Trong vòng vài năm, tai mắt mũi miệng, chân tay ngực mông các loại bộ phận ưu dị đã được hắn tìm về đầy đủ, chỉ còn thiếu một đôi diệu thủ (bàn tay đẹp). Bởi vì Khang Tuyết Chúc tự nhận rằng đôi tay của mình so với nữ tử trong thiên hạ càng thêm vô khuyết vô hám (hoàn hảo không sứt mẻ), muốn tìm được đôi tay xinh đẹp hơn thật sự là muôn vàn khó khăn, đã vài lần rút dao định đâm xuống, lại lo sợ cơ thịt trên tay bị hủy hoại, chỉ còn lại xương cốt thì không thể xuất ra kĩ nghệ tuyệt thế, do dự trăn trở mãi vẫn chưa thể quyết định.
Đến tận khi Khang Tuyết Chúc nhìn thấy bàn tay gảy đàn của Cao Giáng Đình mềm mại như không xương, cảm thán trời cao quả nhiên không phụ lòng khổ tâm của hắn. Mừng rỡ như điên, sợ rằng khắp thiên hạ cũng chẳng còn cơ hội nào như vậy nữa, vì thế lập tức dẫn Cao Giáng Đình nhập cốc, sau khi đại công cáo thành (thành công), tự do tự tại mà ra đi…….
Lúc này mọi người ở bên ngoài mới mạnh mẽ ùa vào trong phòng, đã thấy Cao Giáng Đình bị trói ở đầu giường, sớm ngất lịm đi vì đau đớn từ lâu, hai bàn tay bị lưỡi dao sắc bén lóc hết cơ thịt, máu tươi tí tách rơi, khiến tất cả đều kinh hãi vô cùng, trong một thoáng liền có thanh âm sợ hãi liên tiếp vang lên không dứt.
Bên cạnh giường có một nữ tử khác, đang cất bước nghênh khách, quần áo tuyết trắng, hình dáng dịu dàng, ung dung mỉm cười, trong tình cảnh này đúng là quỷ dị vô luân (trái với luân lí), nhìn kĩ mới phát hiện ra đó là một pho tượng, nửa điểm cũng không hề giống Cao Giáng Đình. Trên giường còn có thư tay của Khang Tuyết Chúc, nét mực cuối thư còn vương hương thơm, hiển nhiên là mới vừa được viết, bên trên là bốn chữ “Thực thủy vô hương” (nước thật thì không có mùi) rất rõ ràng, nguồn cơn cớ sự, đều viết ở trong thư. Nguyên lai bức tượng bên giường đó chính là diện mạo vong thê của Khang Tuyết Chúc, Văn Thu, hắn giải phẫu hết nữ tử mỹ mạo trong thiên hạ, đến cuối cùng mới triệt để hiểu ra, Văn Thu là đẹp ở tình, không phải ở hình dung. Điều này giống như dù chỉ dùng vài nhát dao ít ỏi, khắc thô một bông hoa đơn giản, lại có thể tẫn hiện dung nhan Văn Thu, là thật là giả, cũng chỉ có thể “lãnh noãn tự tri”(*) mà thôi.
(* [冷暖自知] Phật giáo dùng để so sánh cảnh giới giác ngộ của chính mình, lòng mình sâu cạn thế nào, chỉ có mình mới rõ)
Trải qua chuyện này, thế nhân nhiều khi nghĩ đến việc diệu kĩ không hầu từ nay về sau sẽ tuyệt tích nhân gian, đều khẽ thở dài. Không ngờ rằng Cao Giáng Đình mặc dù cơ thể yếu nhược, nhưng cũng là một nữ tử ngoài mềm trong cứng, nàng nhờ Y thánh Tôn Tư Mạc dày công cứu trị, khổ luyện chịu đau, sau nửa năm, thanh âm không hầu thế nhưng lại một lần nữa xuất hiện trên nhân thế, tài nghệ càng thêm tinh tiến, thế nhưng tiếng đàn kia lại hơn ngày trước một phần sát khí, người nghe thấy đều kinh hồn tán đảm. Nàng ở trong tiểu thất của Khang Tuyết Chúc đến tột cùng đã phải trải qua sự tình kinh tâm động phách thế nào, ngoại nhân không tài nào biết được, về phần “Vô cốt tú thủ”, Cao Giáng Đình sau khi phục xuất (làm việc trở lại) thì dùng tay áo giấu đi, không còn ai có cơ duyên được nhìn thấy.
Hiện nay Cao Giáng Đình ở trong Thất Tú phường, là Cầm tú trong Thất tú, cả ngày chỉ ngồi trong Cầm tú đình bên hồ trong Thất Tú phường đánh đàn, ngoại trừ đệ tử thân thiết ra thì bất luận là kẻ nào hễ đến gần Cầm tú đình một bước sẽ bị kiếm khí trong tiếng đàn của nàng bắn ra khỏi đình, khí hải khinh người cuồn cuộn, nội thương nghiêm trọng.
Từ đó thế gian lại nhiều thêm một “ma” — Cầm ma, nàng cùng Tuyết ma Vương Di Phong và Kiếm ma Tạ Vân Lưu được xưng là thiên hạ tam ma.
–
Thêm:
Nếu ai có hứng thú với Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc thì hẳn là không thể không biết giới văn học Việt Nam đang tranh luận về cái tên của vị mỹ nhân thời Tam quốc — Điêu Thuyền hay Điêu Thiền?
Theo như các văn bản bên Trung Quốc, ngay cả trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì tên của nàng là Điêu Thiền [貂蝉], nhưng do cách đọc mà bấy lâu nay chúng ta đều nhầm từ “Thiền” thành “Thuyền”, mà nhầm lẫn lâu ngày lại biến thành thói quen khó bỏ, thế nên trong sách vở Việt Nam không sửa lại. Nhưng tên chính xác của vị mỹ nhân này là Điêu Thiền nhé.
Chi tiết hơn tại đây.
–
–
Chuyển ngữ: Mộc
Tranh: Y Xuy Ngũ Nguyệt
Nguồn: jeongkimchi.wordpress.com